Sinh viên nữ năm nhất của trường đại học thấy Nguyễn Hoài Vũ là xôn xao. Người ta bàn tán anh ta là sinh viên tài năng, tuyệt vời nhất. Vũ – cái tên đó làm tôi bỗng nhớ một cái gì đó, hơi vu vơ bâng khuâng… Ngoại trừ một việc rắc rối xảy ra với cuốn sách trên tay anh ta thì Nguyễn Hoài Vũ là người tôi sẽ chẳng bao giờ để ý đến.
- Nguyên Chi, bài tập triết học của em làm rất tốt! - Tôi chăm chú nhìn cô giáo môn triết xinh xắn có đôi mắt nhung huyền. Đuôi tóc màu hung đỏ của cô thật ấn tượng.
- Cách triển khai vấn đề rất có ý tưởng, lập luận logic!
“Thế giới của Sophie” – một tiểu thuyết về lịch sử triết học đã giúp tôi. Tôi bị bắt mắt ngay từ lúc thấy nó được dựng trang trọng trong thư viện. Bìa sách màu đỏ thẫm, in hình những làn khói hồng tan loãng trong không khí, con thỏ nhàn nhạt vụt ra từ chiếc mũ ảo thuật hiện lên mông lung trước mắt tôi. Đúng lúc ấy thì Nguyễn Hoài Vũ đi qua, không thể tin được là anh ta cũng có cuốn sách ấy. Tôi đoái mắt nhìn theo, vừa ngạc nhiên, vừa thầm thán phục. Miếng kẹp sách đang nằm ở hơn nửa cuốn sách, hẳn anh ta đọc gần xong rồi. Biết tìm đọc “Thế giới của Sophie”, xem ra gout đọc sách cũng không tồi.
- Nhưng cô sinh viên năm nhất, em không được dùng màu mực đỏ thẫm để làm bài, tôi đã dễ tính đấy nhé! - Lúc này Nguyễn Hoài Vũ đã đi qua cửa lớp tôi, miệng huýt sáo và tay đặt cuốn sách lên trước mặt, nhíu mắt lại che nắng. Tôi có nghe thoáng qua lời nói của cô giáo nhưng lại mải để tâm suy nghĩ về điều khác. Chỉ cần đảm bảo dùng một màu mực, tôi nghĩ, vả lại, đó cũng là màu sắc kích thích tốt trí óc.
- Em không trả lời tôi sao? - Cô giáo gõ mạnh tay xuống bàn, tôi giật mình, lúng túng. Mấy người ngồi phía sau bĩu môi, đắc ý: “Chúa lơ đãng!”. Tôi nhìn theo cô giáo đang bực mình tiến lên phía bục giảng, mà không biết phải nói gì.
Bước dọc theo hành lang nơi Nguyễn Hoài Vũ đi qua lúc nãy, tôi ngồi lại ở một cái hồ bé. Trời mùa đông, sương trắng giăng phủ khắp mặt hồ lạnh lẽo. Chút sắc vàng của những chiếc lá úa cuối cùng đang nối nhau thả mình xuống dòng sông thật yếu ớt. Nước dềnh lên, dập xuống, nhấn chìm những cây con mảnh dẻ, bé bỏng bên hồ, còn mặt hồ vẫn lạnh lùng phẳng lặng. Lòng tôi hướng về ngày xưa, chút kỉ niệm tuổi thơ mong manh hiện về như gợn sóng nhỏ. Quá khứ năm tám tuổi của tôi tràn ngập hình ảnh của Vũ. Anh không phải là người ở đây. Mẹ tôi bảo bác Tâm ở ngoài Bắc làm ăn thua lỗ nên đưa anh về đây sống.
Bác Tâm là một người tử tế và hiền hậu, ở trọ sát vách với nhà tôi. Tôi còn nhớ lần đầu tiên gặp Vũ, anh trắng trẻo, sáng sủa, và cao hơn hơn tôi một cái đầu. Hiếm có đứa trẻ vùng quê nào được như anh, Vũ nổi bật giữa bầy trẻ con đen nhẻm. Mẹ tôi thường hay mang quà bánh sang cho anh. Mùa hoa cải nở vàng, tôi chạy ngang qua khu vườn mà gọi Vũ. Căn nhà của anh có những mái ngói già nua, Vũ hay ngồi bên cửa sổ mỗi lúc cơn gió đi qua làm phiến cửa gỗ kêu cót két. Bức tường đá qua nhà anh có những hốc nhỏ, tôi kiễng chân leo lên và Vũ vịn tay cho tôi qua. Tôi bỗng nhớ đến câu chuyện nàng công chúa và chàng hoàng tử mà anh đã kể, cảnh tượng của chúng tôi lúc này như đang cùng nhau chạy trốn khỏi vua cha. Tôi nhìn Vũ và mỉm cười. Băng qua vườn hoa cải, váy tôi có dính một ít đất, anh nắm lấy tay tôi. Tôi biết, Vũ cũng muốn trở thành hoàng tử.
Những buổi chiều tàn qua đi nhanh chóng đánh dấu một ngày làm việc mệt nhọc. Tôi bước nhanh chân trên những con ngõ chưa kịp tỏ ánh đèn, nơi ấy những cành hoa yếu ớt đang cố vươn ra những khung cửa để ngỏ. Không có gì rực sáng hơn ánh đèn đầu tiên trong căn phòng mình sau hơn nửa tiếng đồng hồ len qua những con ngõ tối. Tôi thở nhẹ, bật đèn và buông lỏng mình. Cảnh bố tôi đang ngồi tựa trên tràng kỷ làm tim tôi đánh thót.
- Bố đang uống rượu đấy ạ, cho con uống cùng.
- Cái này của tao không dùng cho đàn bà - Bố hất hàm, không thèm nhìn tôi.
- Bố vẫn ôm eo các cô, mơn trớn họ, cùng họ uống đấy thôi. Nhìn bố đê mê, chắc là rượu ngon lắm! - Tôi không nhớ là cách đây bao lâu nữa, mình dùng cách ăn nói xấc xược này để nói chuyện với bố. Ngoài những điều mà tôi cực ghét và căm thù ở ông, tôi vẫn thích cách bố uống rượu, nhất là chọn ly. Ly thủy tinh màu bạc như đang tan ra, màu nước sóng sánh, in những hoa văn trên bề mặt rượu.
- Con ranh! Câm mồm và cút vào phòng mày đi.
Bố hất rượu vào người tôi. Tôi thấy những giọt rượu bé nhỏ li ti len qua từng lớp váy chảy xuống tê rân rân và dừng lại ở vết sẹo đầu gối phải. Vào mùa này, vết sẹo đó hay bị sưng tấy lên. Tôi thả mình xuống giường, trần nhà trắng toát và quá ư sạch sẽ làm cho trí nghĩ tôi mệt mỏi. Một giấc ngủ ngắn đến với tôi, mang theo những mơ mị chập chờn, Vũ đang ngồi bên cửa sổ và bị gió thổi đi. Anh cứ bay như thế, tôi gọi mãi mà anh không trả lời. Tôi nhìn chăm chăm vào anh. Hình như chiều hôm ấy có một cánh diều nhỏ mang tên Vũ bị thả trôi giữa trời… Giấc mơ này đến với tôi không phải lần đầu, nó cứ lặp đi lặp lại, nhức nhối trong lòng như có kim châm phải.
Ngày trước, quá lo sợ trước giấc mơ đó, tôi chạy vội đến kể cho Vũ. Hôm đấy cửa sổ nhà anh bị đóng kín. Tôi tự nhủ có lẽ Vũ bị gió cuốn đi thật rồi. Bác Tâm khăn gói đi xa mấy ngày và mang về khuôn mặt anh Vũ trắng xanh. Mắt đăm đăm nhìn anh, lòng tôi đầy thắc mắc. Vũ nhìn tôi, anh không đưa tôi qua bức tường nữa, anh chỉ ngồi thế thôi. Hoa cải đã hết mùa, vàng héo và rụng rơi. Những cánh hoa xám đã muốn ẩn mình trong đất. Anh Vũ xanh và mệt mỏi. Vũ không còn đủ sức vẽ tranh và kể chuyện cho tôi nữa. Một hôm, anh bảo muốn đi chơi. Lúc đó đã là mùa xuân, anh cho tôi nhiều bức vẽ có hình quả táo đỏ. Vũ kể anh đã thấy những quả táo bóng láng này bày trong tủ kính long lanh trông rất đẹp, quả táo nhòe đi khi phiến băng tan ra. Càng trông tôi càng nghĩ da Vũ không phải hồng hào nữa mà là những phiến băng đang dần tan ra và nhòe đi. Tôi chạm vào má anh, rất lạnh.